Hôm nay kiếm Ebook “Cây hợp hoan” của Trương Hiền Lượng, thấy nó nằm trong mục ngôn tình, xuyên không, hú hồn. Tất cả những truyện của Trương Hiền Lượng chẳng có truyện nào hợp để xếp vào ngôn tình hay xuyên không cả. Ngay việc nó xuất hiện trên blog vốn dĩ viết cho các gái thích soái ca, thích tình cảm lãng mạn (và ảo tưởng) của tôi đã thấy lệch tông, tuy nhiên không viết ở đây thì biết viết ở đâu bây giờ.
Cây hợp hoan đọc đã lâu, chẳng còn nhớ gì, review sau vậy. Bài này là mảnh đất dành cho một tiểu thuyết khác của ông “Một nửa đàn ông là đàn bà”.
Nghe cái tên vậy nhưng đàn ông và đàn bà trong này lại không được viết nhiều. Xuyên suốt tác phẩm là xoay quanh cuộc sống của chàng trai trí thức ở đội lao cải trong thời đại cách mạng văn hóa Trung Hoa. Tới nửa đầu truyện, cuộc sống này chưa dính dáng tới đàn bà. Nửa sau thì anh gặp một cô gái ở nông trường, rổ rá cạp lại mà kết hôn với nhau.
Cả cuốn truyện là những ngẫm nghĩ của chàng trai xưng “tôi” về cuộc đời, về con người, cũng chính là của tác giả. Những tác phẩm Trung Quốc thường mang theo sự hào nhoáng, cường điệu, thùng rỗng hay đặc chưa biết nhưng kêu rất to, thì Trương Hiền Lượng lại là một ngoại lệ. Văn của ông không bóng bẩy, không gò ép lên mà có sự trầm tĩnh của một người đã trải qua nhiều chuyện đau khổ.
Cũng dễ hiểu khi ông là một phần tử tri thức, học cao hiểu rộng rồi bị xã hội đưa đẩy tống vào tù mấy chục năm, đứng dưới đáy xã hội, khi mà có bất kỳ sự thay đổi chính trị nào bên ngoài thì những người đó bị lôi ra chém đầu tiên, đến ngồi cũng quen thói khom lưng. Bất mãn không? Chắc chắn là có, và ông cũng không giấu giếm điều đó trong tác phẩm của mình. Tuy nhiên sự bất mãn đó cũng rất lý trí. Dường như ông đã vượt qua những tình cảm yêu, ghét, thù hận để nhìn rõ mọi việc xung quanh mình với con mắt của một người ngoài cuộc, một người đứng từ cao nhìn xuống những con người đang sống trong một nhà tù mà không hề hay biết.
“Chẳng biết bắt đầu từ bao giờ, máy thu thanh được gắn liền với “đặc vụ ” và “ phản cách mạng ”. Ý thức đó thấm vào tận tế bào dây thần kinh của mỗi người, bất cứ nhà nào có máy thu thanh đều có thể gây ra cảnh giác đặc biệt của những người xung quanh. Một cái hộp đen bé tí xíu, vậy mà sâu thẳm không lường, chứa đựng trong đó cả một thế giới tội ác. Còn thế giới cách mạng quang minh chính đại thì chỉ tồn tại trong cái loa to đùng, mỗi ngày phát thanh ba buổi. Ngoài cái loa ấy ra, tất cả đều nói dối, đều là lời rủa nguyền của ma quỷ tuốt.”
Giọng văn Trương Hiền Lượng có chút hài hước, điều này cũng làm cho tác phẩm ít nặng nề kể cả những chỗ chỉ trích trần trụi như trên.
Kundera bảo, “Cái hài hước khác với sự châm biếm đả kích ở chỗ: nó khiến cho tất cả trở thành nhập nhằng nước đôi. Cái hài có thể tạo ra tiếng cười sảng khoái nhưng cũng có thể gắn với nỗi buồn mênh mông”. Đọc “Một nửa đàn ông là đàn bà”, đôi khi chúng ta bật cười, nhưng không phải kiểu cười sảng khoái vẫn thấy được tạo ra từ phim hài, mà là kiểu cười xót xa, chưa kịp thành tiếng đã vội tắt.
Với truyện này, tiện tay dở ngay một trang ra đọc vẫn thấy hay nhưng để dịch được thì không những phải đọc hết mà còn phải đọc đi đọc lại nhiều lần, tìm hiểu về cuộc đời tác giả thì mới truyền tải tốt được. Thật khác với những truyện ngôn tình mà đến người dịch khi dịch xong chương này vẫn còn chưa biết nội dung chương sau.
Tôi đặc biệt ấn tượng với thủ pháp miêu tả của Trương Hiền Lượng, rất nghệ thuật. Hãy xem một đoạn tả về cảnh làm tình:
“Tôi vén chăn, hóa ra lúc này cô đang hoàn toàn giống hệt như tôi đã thấy trong bãi lau năm xưa.
Đây là một bãi lầy nóng bỏng, tôi lăn lộn trong đám bãi lầy ấy; đây là một ngọn núi lửa sục sôi nham thạch, vừa đẹp đẽ hoành tráng vừa ghê sợ khủng khiếp; đây là một con ốc anh vũ xinh đẹp, đột nhiên thò cái vòi thịt nần nẫn dính nhơn nhớt từ trong vách buồng ra, ra sức quấn chặt lấy tôi mà lôi tôi xuống đáy biển; đây là khối bọt biển màu sắc rực rỡ bám chặt vào tảng san hô trắng, nó liều mạng toan hút kiệt đến giọt nước cuối cùng trong cơ thể tôi, đến nỗi tôi cơ hồ ngất lịm đi như một cơn choáng; đây là ảo giác thành phố trên sa mạc; đây là ảo giác xanh trong ảo giác thành phố lâu đài; đây là vườn hoa của người khổng lồ trong đồng thoại xa xưa nhất, mà chuyện đồng thoại xa xưa nhất lại là chuyện mới mẻ nhất, xa vời hư ảo nhất. Cuộc giao đấu lớn nhất của nhân loại không phải là cuộc giao đấu giữa người với người, giữa con người với con thú, mà là cuộc giao đấu giữa đàn ông với đàn bà”.
Nếu Murakami viết về tình dục trần trụi, không né tránh thì Trương Hiền Lượng dùng cái khác để ám chỉ, rất đẹp đẽ, vẫn rất trần trụi nhưng không hề gợi dục. Bên nào viết hay hơn tôi không so sánh, đây đều là nhà văn tôi thích. Nếu có người mang “Rừng Nauy” để tự thỏa mãn thì khó mà làm vậy với tiểu thuyết của Trương Hiền Lượng.
“Một nửa đàn ông là đàn bà”, bởi vì trước kia chàng Chương nông trường chỉ mới là 1 nửa đàn ông, không có khả năng tình dục, nhờ cô vợ mà trở nên trọn vẹn, vì đàn ông luôn có một phần yếu đuối của đàn bà, vì đàn ông là đàn bà tạo ra, hay vì đàn bà không bao giờ hiểu và chiếm hữu hoàn toàn được họ? Tôi cũng không rõ ý tác giả.