Bộ phim The Pianist dựa trên cuốn hồi ký cùng tên, kể về một người nghệ sĩ dương cầm Do Thái ở Ba Lan trong thế chiến 2. Người này, trong lúc đang kiếm đồ ăn thì gặp một sĩ quan Đức, đã đàn một bản nhạc theo yêu cầu, nhờ đó không những không bị giết mà còn được giúp đỡ để rồi sống sót.
Màu phim cũ kỹ, có gì đó rất thơ giữa cái hỗn loạn trong thời đại chém giết, coi mạng người như cỏ rác của phát xít Đức. Có thể là khuôn mặt thơ mộng của các cô gái trong phim, gái Ba Lan vừa thanh nhã vừa quý phái, lại đầy chất nghệ sĩ. Có thể là ở niềm say mê âm nhạc của nhân vật chính. Có thể ở cái cách người ta nói chuyện, giúp đỡ lẫn nhau của một cộng đồng mà học thức, nghệ thuật lẫn danh dự đều được coi trọng.
Bỏ qua chuyện cuốn hồi ký có thật kia đi, thì liệu bộ phim này có hợp khi chuyện xẩy ra ở một đất nước nào khác, chứ không phải Ba Lan? Tôi nghĩ là không. Ba Lan là một đất nước nhỏ bé nhưng lại là cái nôi của nghệ thuật, văn hóa châu Âu, đặc biệt nhạc cổ điển. Bởi thế mới có cốt truyện vì anh chơi đàn tốt nên anh mới lần này lần khác được giúp đỡ rồi sống sót, mới có những cảnh nhân vật chính ngồi chơi đàn ở đài phát thanh khi bom đạn cận kề, mặc người ta bảo anh ngừng chơi. Khi anh lẩn trốn, không thể chơi đàn để tránh bị lộ, anh ngồi trước cây đàn, lướt những phím ảo, tưởng tượng ra mình dạo nhạc, chống chọi cơn đói.
Khi chiến tranh đã ngừng, hãy xem cách mà một anh nghệ sĩ chửi lính Đức:
“You took everything I had. Me, a musician. You took my violin, you took my soul.”
Chỉ được chửi vài ba câu, mà anh chẳng nói gì về những người thân đã mất, về việc bản thân bị hành hạ sống dở chết dở. Thế mới thấy tính nghệ sĩ ăn sâu vào máu như thế nào.
Phim không được dựng giống hệt trong hồi ký, nhưng đừng ép buộc nó phải giống để rồi thấy thất vọng, bởi tách riêng ra thì cả hồi ký cả phim đều rất cảm động.
Ở hồi ký, người Đức kia chán nản trước cảnh giết người, cảm thấy đi lính là một sai lầm, đã tìm cách này cách khác giúp đỡ những người Do Thái. Vì thế, khi gặp người nghệ sĩ kia, dù có đàn hay không thì chắc chắn ảnh vẫn sẽ cứu.
Ở bộ phim, sĩ quan Đức được dựng lên khá “cool”, từ ăn mặc, đến nói năng, cách đứng cách ngồi đều thể hiện một con người lịch lãm, không thừa lời, cũng không phải mềm yếu, ngay cả khi giúp đỡ người khác cũng vô cùng lạnh lùng. Anh chán với chém giết hay chưa, chẳng ai biết, nhưng vì thế nên ta cũng chẳng biết được anh tha cho người Do Thái kia vì sự nhân đạo có sẵn hay bởi bản nhạc quá hay đầy xúc cảm. (Anh chỉ xuất hiện mấy giây nhưng tôi cá là kha khá cô gái chốt ngay ảnh là người tuyệt vời nhất phim =)) )
Khi gặp nghệ sĩ dương cầm – lúc đó còn là một người rách rưới, đầu bù như tổ quạ, xác xơ theo kiểu mấy tháng trời trốn chui trốn lủi không đồ ăn không nước uống – anh Đức đã hỏi: “Anh làm việc ở đây?”, khi biết đó là một nghệ sĩ dương cầm, anh có vẻ chưa tin lắm, kêu đàn một bản. Đến khi đàn xong, anh mới hỏi “Anh là người Do Thái?”. Tôi không sành về âm nhạc cho lắm, không rõ được bản nhạc nói gì (bản nhạc này không phải là bản gốc theo đúng trong hồi ký), nhưng tôi nghĩ, đúng lý ra, đó sẽ là một bản nhạc gợi cảm xúc, lúc đầu hơi dè dặt, sau đó gay gắt, đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan, rồi lại đắm chìm trong bản nhạc, kết thúc sẽ là thanh thản bởi vì đã nói được những gì cần nói, và bởi vì đinh ninh mình sẽ chết sau khi đàn xong. Có như thế mới hiểu tại sao anh Đức lại hỏi “Anh là người Do Thái” sau khi nghe xong, mà trước đó chưa hề chắc chắn.
Lúc anh đàn, cảnh phim có quay đến hai người lính Đức ở ngoài chờ anh sĩ quan kia, trong không khí rét buốt, người đút túi đứng, người ngồi thu lu bên xe, lúc ấy cảm thấy bọn Đức cũng chỉ là người bình thường, không phải những quái vật thích máu me chết chóc. Với tôi đây có lẽ là những giây yên bình nhất phim.