Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020

Du lịch Trung Quốc - Thiểm Tây

,
航拍中国quả là phim tài liệu hoàn mỹ cho đứa thích đi du lịch như mình. Mỗi tập 1 tỉnh, dài khoảng cỡ tiếng đồng hồ. Dịch phim thì mình quá lười để làm nên mình dùng hình ảnh của phim này để giới thiệu từng tỉnh của Trung Quốc.

Đầu tiên là tỉnh Thiểm Tây, bởi đây là nơi mình cực kỳ thích (có lẽ do người mình quý từng đến đây học chăng?), với cả đồ ăn vặt lẫn phong cảnh đều tuyệt mỹ, ngoài ra còn là điểm mình tiếc nuối bởi chưa ngắm được bao nhiêu đã phải ngồi nhà vì dịch Corona hồi tháng 1/2019, sau đó thì phải về nước tránh dịch.
Thiểm Tây nằm phía Bắc Trung Quốc, thủ phủ Tây An, là khu vực giàu tíinh lịch sử bởi có hẳn mười ba triều đại với hơn 1000 năm trị vì. Xem phim cứ thấy vua sợ tiếm quyền đành đẩy vương gia đi Tây Bắc với danh nghĩa phong đất thì chính là khu vực này đấy. Có khu vực xa hơn khổ hơn dành cho dân đày ải, nhưng bài này chỉ nói về Thiểm Tây – cái đất vương tướng không những sinh sống tốt mà còn lập được chuyện lớn, là kinh đô của nhà Chu, Tần, Hán, Đường với bao nhiêu idol của con dân như Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên, Chu Nguyên Chương , là nơi sư phụ Đường Huyền Trang bắt đầu con đường đi Tây Thiên thỉnh kinh và trở về.
Tây An – trước kia gọi là Trường An. Xem Trường An mười hai canh giờ để hiểu rõ hơn nè.
Tây An có bao nhiêu là chỗ chơi, ăn uống thì khỏi nói, ăn ngập mặt vẫn không hết được cái dãy phố người Hồi – huiminjia.
Một số chỗ chơi ở Tây An:
-       Tháp Đại Nhạn: Nơi Đường Huyền Trang sau khi thỉnh kinh về đã cất giữ lại kinh phật. Khi mà Phật giáo Ấn Độ bị bản giáo xóa sổ thì số kinh Phật này được xem là tài liệu quý giá nhất để chấn hưng Phật Pháp. Lúc xây tháp Đại Nhạn, mọi công trình kiến trúc khác đều chưa bằng 1/6 chiều cao của tháp, thế nên trong thành Trường An, ở tất cả mọi nơi đều có thể nhìn thấy tháp.
-       Buyecheng – phố không có màn đêm. Ngay cạnh Tháp Đại Nhạn. Đến đây mới hiểu vì sao Tây An được gọi là kinh đô ánh sáng. Đèn khắp nơi, ánh sáng được bố trí cực kỳ xuất sắc, 2 bên đường là những trung tâm thương mại với kiến trúc như cung điện thời xưa, đèn led chiếu lộng lẫy.
-       Phố người Hồi: Mình nghĩ chọn khu vực quanh đây để ở là tiện nhất. Sáng đi chơi bằng tàu điện ngầm cũng tiện, chiều về đạp xe lên tường thành ngắm hoàng hôn, tối đi dạo phố người Hồi ăn thả cửa. Cạnh đó còn có tháp Trống, tháp Nhạn.
-       Bảo tàng Thiểm Tây, chẳng biết miêu tả như nào ngoài 1 câu “cực kỳ đáng đi.”
-       Lăng mộ Tần Thủy Hoàng cùng Binh Mã Dũng – đội quân đất nung mà Tần Thủy Hoàng chuẩn bị để cùng đi xuống suối vàng với mình. Cách Binh mã dũng 1 dặm về phía Tây là lăng mộ, diện tích cỡ bằng 63 cái Tử Cấm Thành gộp lại.
 

Hoa Sơn: chính là Tây Nhạc - một trong “Ngũ nhạc” - 5 ngọn núi thiêng nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Xem phim chưởng nhiều hẳn nghe đến “Hoa Sơn luận kiếm” rồi ha. Mỗi đỉnh có 1 từ để hình dung, với Hoa Sơn thì đó là từ “Hiểm”, người ta còn bảo đây là “nấc thang lên thiên đường” (hay địa ngục?) , chắc cũng bởi thế nên Kim Dung mới chọn nơi này cho anh hùng võ lâm thiên hạ tới thi thố võ nghệ.
Ngày nay người thường cũng có thể lên tới đỉnh. Từ Tây An đi 100km về phía Đông là tới Hoa Sơn. Lên đỉnh bằng đi bộ hoặc cáp treo, đi bộ bằng con đường cực kỳ ghê rợn như này.

Hán Trung: Cách Tây An tầm 4 tiếng đồng hồ xe bus, thích cây thích núi giống mình chắc đến đây chỉ muốn dựng nhà ở lại. Mình tìm thông tin du lịch ở Hán Trung thấy không nhiều lắm. Đợt đi chơi Tây An thì gặp 1 bạn quê Hán Trung, sau một hồi nghe giới thiệu quá hấp dẫn, ngày hôm sau mình đã một mình xách ba lô đến vùng này. Lúc đó đến chỉ để ngắm cây thôi chứ mùa đông chẳng có hoa. Còn tháng 3 thì nó như này, hoa cải dầu khắp nơi.

Cao nguyên Hoàng Thổ nằm phía Bắc Thiểm Tây.
Vùng này nghe tên đã thấy đất là nét đặc sắc vùng này. Quả vậy, nhiều đất thế thì để làm gì? Để xây nhà ấy. Nhà ở đây hiện đã trở thành di sản quốc gia rồi. Đất nhiều nhưng không bằng phẳng, lại dễ bị xói mòn, người ta kiếm cái sườn núi, bắt đầu đào hầm, xây nhà dưới lòng đất. Nhìn bề ngoài cứ như là địa phương không ai ở, nhưng không phải, người ta ở dưới đất hết cả. Không có sườn núi thì đào một lỗ vuông rộng dưới đất, từ cái lỗ đó bắt đầu đào nhiều nhà xung quanh, còn cái lỗ đấy trở thành khu sinh hoạt chung. Kiểu kiến trúc này gọi là Dao Động. Đông ấm hạ mát, thời chưa có tủ lạnh còn có thể tích trữ lương thực tới hàng tháng trời.

Bắc Thiểm Tây toàn núi với cát, cách xa biển nhưng lại có vùng làm muối, muối được làm từ một cái hồ có hàm lượng muối cao. Nông nghiệp cũng được quy hoạch cực kỳ đẹp mắt. Bạn có thể xem thêm trên Youku, chương trình hangpaizhonggio phần 1 tập 2. Du lịch vẫn là tập trung ở phía Nam và Trung, chứ Bắc ít thấy giới thiệu quá. Đợi mình có dịp đi Mông Cổ, theo đường tàu qua đó rồi lại giới thiệu sau vậy.

0 nhận xét to “Du lịch Trung Quốc - Thiểm Tây ”

Đăng nhận xét