Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

[OST] Only Yesterday - Omohide poro poro - (Ghibli)

,
Hôm nay tôi biết được chắc chắn cuộc tình với anh đã chấm dứt. Thật là lạ, đã là một thời gian dài sau khi nói chia tay, chúng tôi vẫn không hề liên lạc gì với nhau, không ai muốn níu kéo, thậm chí mấy tháng nay tôi còn không nghĩ tới, thế nhưng đến hôm nay cảm giác chấm dứt mới hiển hiện rõ rệt, chẳng có gì báo trước. Đôi khi cuộc đời mang đến cho ta những linh cảm không thể giải thích nổi.

Sau khi đã nhận định rõ ràng như thế, tôi ngồi dậy lúc 4h sáng, bật máy tính lên để bắt đầu “dọn dẹp” những gì còn sót lại. Một folder “For Sa” đập vào mắt, những bộ phim của Ghibli anh từng chép vào vẫn còn nguyên vẹn. Có lẽ anh chưa xem một tập nào, còn tôi, có những bộ đã thuộc đến từng lời thoại, ngày trước đã định xóa nhưng thế nào lại nghĩ lại, cho vào một góc.

Bài nhạc Ai wa Hana, Kimi wa Sono Syushi (Love is a flower, you are the seed) nằm trong bộ phim Only Yesterday của đạo diễn Isao Takahata. Khác với Miyazaki, Isao làm phim theo chiều hướng thực tế, ít mộng mơ viễn tưởng, ít những phép màu. Thế nhưng chất thơ của phim Ghibli vẫn không lẫn đi đâu được. 

(Nghe bài này tại: Only Yesterday OST)

“Có người nói tình yêu như một dòng sông...

...cuốn đi bao con tim mỏng manh, yếu ớt.

Có người lại nói tình yêu như một lưỡi dao sắc bén...

...rạch nát tâm hồn chúng ta ra từng mảnh.

Nhưng có người lại cho rằng tình yêu chính là sự khát khao...

...một sự khát khao vô bờ bến.


Tôi từng gửi anh nghe bài này, bởi câu “Nhưng với tôi, tình yêu như một nụ hoa mong manh, nhỏ bé. Để cho chúng ta cùng chung tay vun trồng.” Vì mong manh nên cần cẩn trọng, cần được nuôi dưỡng. 
Cảnh trong phim Only Yesterday



Nếu sợ cảnh chia ly...

Trái tim chúng ta sẽ không bao giờ được khiêu vũ.

Nếu sợ bị đánh thức...

Thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được những giấc mơ đẹp.

Nếu sợ bị phụ bạc...

Thì chúng ta sẽ không bao giờ dám hiến dâng.

Nếu luôn nơm nớp sợ cái chết...

Chúng ta sẽ bỏ lỡ những khoảnh khắc tuyệt đẹp của cuộc sống.

Khi bạn một mình trong những đêm dài vô tận,

và bơ vơ trên con đường dài bất tận.

Bạn đang thầm nghĩ rằng...

Tình yêu chỉ dành cho những ai may mắn và mạnh mẽ.

Thì hãy luôn nhớ một điều: Cho dù mùa đông có rét mướt thế nào đi nữa...

Thì nằm sâu dưới lớp tuyết trắng tê buốt kia...

Vẫn có một chồi non đang nhẫn lại chờ đợi những tia nắng ấm áp của mặt trời...

Để vươn mình nở thành một bông hoa rực rỡ của mùa xuân.
Read more →

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Yumeji's Theme Nhạc phim In the mood for love

,

Âm nhạc là một trong những yếu tố làm nên một “In the mood for love” tuyệt vời. Có một bản tôi vẫn thường nghe mỗi lúc cô đơn, đó là Yumeji's Theme do Umegayashi Shigeru sáng tác – bản nhạc nền của bộ phim. 

Vương Gia Vệ rất chú trọng âm nhạc trong các tác phẩm của mình. Ông tìm nhạc trước, cho diễn viên nghe để cảm nhận từng khung hình, sau đó mới diễn, thế nên nhạc phim phù hợp kỳ lạ với từng cảnh.

Yumeji's Theme vang lên theo từng bước chân của của nữ diễn viên Trương Mạn Ngọc, chậm chạp, buồn bã, vấn vít với bộ sườn xám bước lên từng bậc cầu thang, đẹp ma mị.

Nhạc lãng đãng theo làn khói thuốc của nam diễn viên Lương Triều Vỹ, hư ảo như có như không.

Mời các bạn nghe: Nhạc phim In the mood for love
Read more →

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Review một nửa đàn ông là đàn bà – Trương Hiền Lượng

,
Hôm nay kiếm Ebook “Cây hợp hoan” của Trương Hiền Lượng, thấy nó nằm trong mục ngôn tình, xuyên không, hú hồn. Tất cả những truyện của Trương Hiền Lượng chẳng có truyện nào hợp để xếp vào ngôn tình hay xuyên không cả. Ngay việc nó xuất hiện trên blog vốn dĩ viết cho các gái thích soái ca, thích tình cảm lãng mạn (và ảo tưởng) của tôi đã thấy lệch tông, tuy nhiên không viết ở đây thì biết viết ở đâu bây giờ.

Cây hợp hoan đọc đã lâu, chẳng còn nhớ gì, review sau vậy. Bài này là mảnh đất dành cho một tiểu thuyết khác của ông “Một nửa đàn ông là đàn bà”. 


Nghe cái tên vậy nhưng đàn ông và đàn bà trong này lại không được viết nhiều. Xuyên suốt tác phẩm là xoay quanh cuộc sống của chàng trai trí thức ở đội lao cải trong thời đại cách mạng văn hóa Trung Hoa. Tới nửa đầu truyện, cuộc sống này chưa dính dáng tới đàn bà. Nửa sau thì anh gặp một cô gái ở nông trường, rổ rá cạp lại mà kết hôn với nhau. 

Cả cuốn truyện là những ngẫm nghĩ của chàng trai xưng “tôi” về cuộc đời, về con người, cũng chính là của tác giả. Những tác phẩm Trung Quốc thường mang theo sự hào nhoáng, cường điệu, thùng rỗng hay đặc chưa biết nhưng kêu rất to, thì Trương Hiền Lượng lại là một ngoại lệ. Văn của ông không bóng bẩy, không gò ép lên mà có sự trầm tĩnh của một người đã trải qua nhiều chuyện đau khổ.

Cũng dễ hiểu khi ông là một phần tử tri thức, học cao hiểu rộng rồi bị xã hội đưa đẩy tống vào tù mấy chục năm, đứng dưới đáy xã hội, khi mà có bất kỳ sự thay đổi chính trị nào bên ngoài thì những người đó bị lôi ra chém đầu tiên, đến ngồi cũng quen thói khom lưng. Bất mãn không? Chắc chắn là có, và ông cũng không giấu giếm điều đó trong tác phẩm của mình. Tuy nhiên sự bất mãn đó cũng rất lý trí. Dường như ông đã vượt qua những tình cảm yêu, ghét, thù hận để nhìn rõ mọi việc xung quanh mình với con mắt của một người ngoài cuộc, một người đứng từ cao nhìn xuống những con người đang sống trong một nhà tù mà không hề hay biết. 

“Chẳng biết bắt đầu từ bao giờ, máy thu thanh được gắn liền với “đặc vụ ” và “ phản cách mạng ”. Ý thức đó thấm vào tận tế bào dây thần kinh của mỗi người, bất cứ nhà nào có máy thu thanh đều có thể gây ra cảnh giác đặc biệt của những người xung quanh. Một cái hộp đen bé tí xíu, vậy mà sâu thẳm không lường, chứa đựng trong đó cả một thế giới tội ác. Còn thế giới cách mạng quang minh chính đại thì chỉ tồn tại trong cái loa to đùng, mỗi ngày phát thanh ba buổi. Ngoài cái loa ấy ra, tất cả đều nói dối, đều là lời rủa nguyền của ma quỷ tuốt.”

Giọng văn Trương Hiền Lượng có chút hài hước, điều này cũng làm cho tác phẩm ít nặng nề kể cả những chỗ chỉ trích trần trụi như trên. 
Kundera bảo, “Cái hài hước khác với sự châm biếm đả kích ở chỗ: nó khiến cho tất cả trở thành nhập nhằng nước đôi. Cái hài có thể tạo ra tiếng cười sảng khoái nhưng cũng có thể gắn với nỗi buồn mênh mông”. Đọc “Một nửa đàn ông là đàn bà”, đôi khi chúng ta bật cười, nhưng không phải kiểu cười sảng khoái vẫn thấy được tạo ra từ phim hài, mà là kiểu cười xót xa, chưa kịp thành tiếng đã vội tắt.

Với truyện này, tiện tay dở ngay một trang ra đọc vẫn thấy hay nhưng để dịch được thì không những phải đọc hết mà còn phải đọc đi đọc lại nhiều lần, tìm hiểu về cuộc đời tác giả thì mới truyền tải tốt được. Thật khác với những truyện ngôn tình mà đến người dịch khi dịch xong chương này vẫn còn chưa biết nội dung chương sau.

Tôi đặc biệt ấn tượng với thủ pháp miêu tả của Trương Hiền Lượng, rất nghệ thuật. Hãy xem một đoạn tả về cảnh làm tình:

“Tôi vén chăn, hóa ra lúc này cô đang hoàn toàn giống hệt như tôi đã thấy trong bãi lau năm xưa.

Đây là một bãi lầy nóng bỏng, tôi lăn lộn trong đám bãi lầy ấy; đây là một ngọn núi lửa sục sôi nham thạch, vừa đẹp đẽ hoành tráng vừa ghê sợ khủng khiếp; đây là một con ốc anh vũ xinh đẹp, đột nhiên thò cái vòi thịt nần nẫn dính nhơn nhớt từ trong vách buồng ra, ra sức quấn chặt lấy tôi mà lôi tôi xuống đáy biển; đây là khối bọt biển màu sắc rực rỡ bám chặt vào tảng san hô trắng, nó liều mạng toan hút kiệt đến giọt nước cuối cùng trong cơ thể tôi, đến nỗi tôi cơ hồ ngất lịm đi như một cơn choáng; đây là ảo giác thành phố trên sa mạc; đây là ảo giác xanh trong ảo giác thành phố lâu đài; đây là vườn hoa của người khổng lồ trong đồng thoại xa xưa nhất, mà chuyện đồng thoại xa xưa nhất lại là chuyện mới mẻ nhất, xa vời hư ảo nhất. Cuộc giao đấu lớn nhất của nhân loại không phải là cuộc giao đấu giữa người với người, giữa con người với con thú, mà là cuộc giao đấu giữa đàn ông với đàn bà”. 

Nếu Murakami viết về tình dục trần trụi, không né tránh thì Trương Hiền Lượng dùng cái khác để ám chỉ, rất đẹp đẽ, vẫn rất trần trụi nhưng không hề gợi dục. Bên nào viết hay hơn tôi không so sánh, đây đều là nhà văn tôi thích. Nếu có người mang “Rừng Nauy” để tự thỏa mãn thì khó mà làm vậy với tiểu thuyết của Trương Hiền Lượng.


“Một nửa đàn ông là đàn bà”, bởi vì trước kia chàng Chương nông trường chỉ mới là 1 nửa đàn ông, không có khả năng tình dục, nhờ cô vợ mà trở nên trọn vẹn, vì đàn ông luôn có một phần yếu đuối của đàn bà, vì đàn ông là đàn bà tạo ra, hay vì đàn bà không bao giờ hiểu và chiếm hữu hoàn toàn được họ? Tôi cũng không rõ ý tác giả.
Read more →

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

Review truyện Mật mã Tây Tạng – just for fun

,
Trác Mộc Cường Ba, con một gia đình hiển hách ở Tây Tạng, có quyền (nhưng không có tiền), là tấm gương nhà giàu vượt sướng điển hình, tự tay dựng nên một tập đoàn huấn luyện chó ngao Tây Tạng nổi tiếng khắp thế giới.



Anh có một chiếc hộp chỉ đựng đồ quý báu, ngoài kinh Phật cổ xưa ra thì trước giờ chưa có thứ gì có thể để vào đó. Bỗng một hôm anh xách hộp này, bỏ luôn hội thảo lớn ở Mỹ, bay về Trung Quốc rón rén đưa cho người thầy của mình xem. 

Sở thích của con nhà giàu thật khác người, trong đó không phải kim cương quý báu, không phải mỹ nhân nghiêng nước nghiêng thành mà là một tấm hình chó ngao quý hiếm chỉ xuất hiện trong kinh phật và các câu chuyện truyền từ đời này qua đời khác, tấm hình đó có phải Photoshop hay không, chưa ai hiểu rõ. Anh dù có máy bay riêng nhưng khả năng xác minh sự thực bằng phần mềm check ảnh anh chưa nghĩ tới, có vẻ là do quá kích động. Hóa ra tấm ảnh này do một người chụp ở đất Tạng, hiện tại đã phát điên, và em gái người đó mang tới cho Cường Ba thiếu gia để xác minh đó có phải ngao hay không.

Cường Ba và thầy mình về Tây Tạng gặp cha mình để tìm hiểu, đồng thời lên kế hoạch đi tìm ngao trong truyền thuyết – tử lân. Cô gái vừa nhắc tới ở trên, 17 tuổi, cũng theo tiếng gọi tình yêu đòi đi theo. Cường Ba thiếu gia vì không chống đỡ nổi với những giọt nước mắt của người yêu bằng tuổi con gái mình, cũng chấp nhận đưa cô đi. Nhờ vài mối quan hệ, họ đã móc nối với nhà nước, lập nên một đội hình tìm kiếm Bạc Ba La truyền thuyết, nơi giữ báu vật Phật giáo, nơi có tử kỳ lân canh giữ. Để có được đội hình này, tất cả đều phải trải qua huấn luyện nghiêm ngặt về kiến thức, khả năng tư duy, khả năng chiến đấu bằng những lần thử nghiệm suýt mất mạng. Thật bất ngờ, đoàn 8 người ban đầu không có một ai bị loại. Kể cả thầy giáo đã qua tuổi 50 lẫn cô tiểu thư 17 lá ngọc cành vàng mắc chứng sợ dây thừng, sợ ma, sợ đau, hơi tý khóc òa lên, hơi tý đòi Cường Ba ôm ấp an ủi đều vượt qua khảo hạch. Bạn nào ngứa mắt với cô này từ đầu giống mình thì nên xác định là cô ấy sống đến tận phần cuối đi. Hơn nữa vẫn sợ máu, vẫn mau nước mắt và cần được che chở như cũ.

Cường Ba và những người bạn bắt đầu tìm kiếm, từ Tây Tạng qua tận Nam Mỹ rồi lại trở về. Hóa ra nền văn minh Maya cũng bắt nguồn từ Tây Tạng mà ra. Tư tưởng này có mùi gió, tuy nhiên không cần để ý, truyện Trung Quốc thổi phồng văn hóa cội nguồn của họ kệ họ.

Truyện mang đến cho người đọc nhiều bất ngờ. Từ những loài khủng long cổ đại vẫn còn tồn tại cho đến việc người rơi từ đài cao xuống chiếc thuyền giữa biển vẫn không chết đều khiến độc giả cảm thấy … khó tin nổi. Các tập truyện link với nhau kỹ càng, đọc 1 phần giữa không hiểu được phần trước không đoán được phần sau. Càng về sau, sự bất ngờ càng lớn dần, có vẻ tác giả bơm càng lúc càng quen tay. Đến đoạn cuối lại mở ra một tầng bí ẩn mới mà có lẽ cần phải đợi bộ sau của Hà Mã mới biết thêm chi tiết. Tuy nhiên những bí ẩn về tử kỳ lân mà độc giả tò mò từ đầu vẫn được giải đáp thỏa đáng.


Với mình, truyện này hơn truyện của Dan Brown ở chỗ không có các chi tiết sếch siếc các kiểu, không có cảnh giữa truyện nam nữ chính ôm ấp nảy sinh tình cảm rồi cuối truyện xxx chấm hết. Tuy nhiên, thà là thế…
Read more →

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Ôn Thục Sơ của Chân Hoàn truyện: Yêu 1 người là mong người ấy hạnh phúc

,

Chân Hoàn truyện là một bộ phim cung đấu khá hay, diễn viên vừa xinh vừa diễn đạt, các tình tiết chặt chẽ, độ hấp dẫn thì ... tuỳ người xem.

Truyện này đúng chất cung đấu, tình tiết lãng mạn trong đó không được ấn tượng như Bộ Bộ kinh tâm nhưng vẫn có những tình yêu khiến người ta ngưỡng mộ. Tình yêu của Ôn Thục Sơ với Chân Hoàn là một trong số đó.

Chắc hẳn không nhiều người mong Ôn Thục Sơ thành đôi với Chân Hoàn. Người ta chỉ thương cảm, khâm phục, nhưng tác thành thì không. Không chỉ vì gia thế, tướng mạo đều kém vương gia và hoàng thượng, mà còn là sự lặng lẽ chịu khổ của đàn ông trước nay đều khó làm thiếu nữ rung động bằng một người dám xông pha liều mạng bất chấp tất cả để 2 người đến với nhau. Ôn Thục Sơ không dám làm thế, không phải vì sợ chết, mà vì sợ Chân Hoàn mất mạng, và vì biết Chân Hoàn không yêu mình.



Hoàng thượng yêu Chân Hoàn vì coi nàng là cái bóng của người khác. Hậu cung vô vàn mỹ nữ, thế nhưng sự chăm sóc của ông với phi tần hiếm ai không ôm một tia hi vọng người thật lòng thương mình. Hoàng thượng không cần hỏi cũng biết được cỡ chân của Chân Hoàn "đầu ấp tay gối bao lâu chẳng lẽ ta còn không rõ được cỡ chân?", nhớ đến việc nàng thích ăn gì, nàng sợ mèo, sợ sấm... Tỉ mỉ như thế, sao Chân Hoàn không rung động?

Vương gia vì nàng mà đêm đông mặc mỗi bộ quần áo mỏng manh ra đứng dưới tuyết lạnh cóng người biết bao nhiêu lần để làm nàng hạ nhiệt. Vì nàng mà sẵn sàng bất chấp cao chạy xa bay.

Thế nhưng Ôn Thục Sơ đâu thua kém tấm chân tình ấy. Thanh mai trúc mã của Chân Hoàn, luôn giữ đúng lời hứa trước kia "Luôn bảo vệ muội, yêu thương muội, coi muội làm trọng trong tất cả mọi việc", từ khi nàng vào cung luôn âm thầm giúp đỡ dù đó đều là việc khiến bản thân mất mạng.

Là người vì Chân Hoàn mà đến thăm Trang My đang bị cấm cung, đang mang bệnh dịch. Bởi như chàng nói "người nàng bảo ta chăm sóc, ta sẽ liều mạng để chăm".

Là người khi Chân Hoàn gặp khó khăn nhất luôn đến giúp đỡ dù năng lực có hạn, bị từ chối bao lần vẫn nguyện giúp nàng. Khi nàng từ chối Ôn Thục Sơ vì không muốn dính dáng đến người trong cung, nhưng sau đó lại yêu Vương gia, Thục sơ vẫn chấp nhận, chỉ cần nàng hạnh phúc là quan trọng hơn tất thảy.

Khi tưởng Vương gia chết, Ôn Thục Sơ lại 1 lần nữa thổ lộ, "điều Vương gia muốn làm, ta cũng có thể, ta sẽ coi cái thai trong bụng nàng như con ruột của mình, sẽ mang nàng cao chạy xa bay", rồi lại bị từ chối.

Khi nàng bị oan có tình ý với mình, dù đã được minh bạch nhưng Thục Sơ vẫn tự cung để tránh liên luỵ nàng sau này. Tình cảm sâu nặng như thế mấy ai làm nổi? Không mong chờ được báo đáp, chỉ cần khiến nàng sống vui vẻ, tất cả đều đáng.

Thật may là cuối cùng cũng có một người yêu Ôn Thục Sơ theo cách ấy.
Read more →